Ngày 12/12/2020 Trường Đại học Sư phạm -ĐHTN đã tổ chức hội thảo quốc tế về Đổi mới trong đào tạo giáo viên lần thứ 3 (ICTER 3) với chủ đề của năm 2020: Năng lực giảng viên, giáo viên đáp ứng giáo dục 4.0 (Teacher Competencies for Education 4.0).
Ban tổ chức đã nhận được gần 80 bài viết của các nhà khoa học đến từ các trường đại học của Úc, Đài Loan và hơn 20 trường đại học, cao đẳng của Việt Nam như: Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, ĐHSP Đà Nẵng, Đại học Sài Gòn, Đại học Hùng Vương, ĐHSP Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bạc Liêu, Đại học Tây Bắc, CĐSP Nam Định, ĐHSP Thể dục thể thao Hà Nội, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Quy Nhơn, Học viện Quốc phòng, Đại học An Giang, Đại học Quảng Nam, Đại học Quảng Bình, ĐHSP Huế, Đại học Hải Phòng, Đại học Hồng Đức,…
Thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, được sự đồng ý của Giám đốc Đại học Thái Nguyên và sự chỉ đạo của Ban thường vụ, Ban giám hiệu nhà trường, hội thảo đã diễn ra với hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu ở trong nước và nước ngoài.

PGS.TS Bùi Đức Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo
Dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Đức Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hội thảo đã nghe 5 báo cáo trình bày tập trung vào xác định năng lực của giáo viên trong giáo dục 4.0, trong đó nhấn mạnh tới kỹ năng mềm, năng lực phán đoán, tư duy phê phán, tư duy định lượng, năng lực thích ứng, dạy học trải nghiệm dựa trên sự thất bại, đánh giá trong học tập trực tuyến, giáo dục STEM và tích hợp công nghệ trong dạy học,… Báo cáo của nhóm nghiên cứu đến từ Úc tập trung vào việc đánh giá với khái niệm “hành trình học tập” và “kinh nghiệm sống” của người học trong suốt quá trình học tập trực tuyến. Phương pháp dạy học theo dự án là rất quan trọng trong giáo dục 4.0. Vấn đề tích hợp phát triển kỹ năng mềm vào chương trình dạy học cũng được thảo luận sôi nổi. Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo còn thảo luận về sự thay đổi về vai trò của người giáo viên, sự thay đổi trong lý thuyết dạy học cho phù hợp với giáo dục 4.0 (thuyết hành vi, thuyết kiến tạo và thuyết kết nối trong dạy học), trong đó kỹ năng mềm, tương tác trực tuyến giữa người học với người học, người học với tài nguyên học tập là rất quan trọng. Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi đến từ hơn 80 đại biểu từ các điểm cầu góp phần làm rõ hơn những thách thức và xu hướng cho việc thực hiện giáo dục 4.0 ở Việt Nam.

PGS.TS Dương Thu Hằng, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên trình bày báo cáo:
“Dự án học tập Du lịch văn hóa Bản Thẳm- mô hình giáo dục nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số
trong thời đại 4.0 tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc”.

PGS.TS Tony Richardson, Đại học Sunshine Coast (Úc) trình bày báo cáo về
“Đề xuất một mô hình trường học 4.0 ở Việt Nam và những điều kiện thực thi-
Quan điểm từ nước Úc dựa trên ví dụ về trường học Steiner”

Trao đổi, thảo luận tại điểm cầu Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên

Trao đổi, thảo luận tại điểm cầu Đại học Cần Thơ

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên

BTC Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên.
Tác giả: Phòng KHCN&HTQT
Nguồn tin: Bộ phận truyền thông